Lịch sử lập pháp Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch 1965

Tổng thống Lyndon B. Johnson ký ban hành đạo luật, có Phó Tổng thống Hubert Humphrey, Thượng nghị sĩ Ted Kennedy, Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy và những người khác chứng kiến.

Luật Nhập cư và Quốc tịch năm 1965 trải qua nhiều giai đoạn tại Quốc hội trước khi được thông qua. Từ ngày 14 tháng 3 năm 1960 đến ngày 19 tháng 8 năm 1965, dự luật được trình nhiều lần tại Thượng viện.[26] Vào thời chính quyền Kennedy, dự luật không được Quốc hội thông qua vì Thượng nghị sĩ James Eastland (Dân chủ-MS), Hạ nghị sĩ Michael Feighan (Dân chủ-OH) và Hạ nghị sĩ Francis Walter (Dân chủ-PA) kiểm soát các tiểu ban nhập cư của Quốc hội và đều phản đối cải cách nhập cư.[5] Tổng thống Lyndon B. Johnson vận động Quốc hội thông qua cải cách nhập cư[27] khi kế nhiệm Kennedy vào ngày 8 tháng 1 năm 1964 nhưng bất thành. Phải đến ngày 4 tháng 1 năm 1965, khi Tổng thống Johnson có bài phát biểu nhậm chức về cải cách nhập cư thì các tiểu ban nhập cư của Quốc hội mới bắt đầu xem xét dự luật.[27]

Trình dự luật

Với sự ủng hộ của chính quyền Johnson, Hạ nghị sĩ Emanuel Celler (Dân chủ-NY), chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp,[28] trình dự luật Nhập cư và Quốc tịch H.R. 2580[5] trước Hạ viện. Celler biết rõ dự luật sẽ khó trình biểu quyết vì cơ quan thẩm tra dự luật là Tiểu ban Nhập cư và Quốc tịch mà chủ tịch là Hạ nghị sĩ Feighan, một nghị sĩ phản đối cải cách nhập cư. Sau cùng, Celler và Feighan thỏa hiệp ưu tiên nhập cư theo diện đoàn tụ gia đình hơn nhập cư theo diện lao động, kỹ thuật.[5] Sau đó, Thượng nghị sĩ Philip Hart (Dân chủ-MI) trình dự luật Nhập cư và Quốc tịch S.500 trước Thượng viện.[5]

Điều trần tại Quốc hội

Tại các phiên điều trần của Tiểu ban Nhập cư và Nhập tịch của Ủy ban Tư pháp Thượng viện, nhiều cá nhân, quan chức, tổ chức bày tỏ quan điểm ủng hộ dự luật. Nhiều quan chức cấp cao như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dean Rusk và Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề lãnh sự Abba P. Schwartz tích cực ủng hộ dự luật.[29] Nhiều tổ chức văn hóa và dân quyền ủng hộ dự luật,[30] cho rằng đạo luật sẽ loại bỏ sự phân biệt chủng tộc của hạn ngạch nhập cư và cải thiện hình ảnh của Hoa Kỳ đối với những nước có hạn ngạch nhập cư thấp.[29] Nhiều cá nhân, tổ chức cũng tin rằng đạo luật sẽ cải thiện nền kinh tế Hoa Kỳ bằng cách thu hút công nhân lành nghề nhập cư vào Hoa Kỳ.[29]

Nhiều tổ chức, nhà vận động hành lang bày tỏ quan điểm phản đối dự luật.[30] Nhiều thành phần đối lập cho rằng dự luật sẽ làm phương hại phúc lợi của Hoa Kỳ. Điểm chung của các lập luận phản đối là việc cho phép nhiều người nhập cư vào Hoa Kỳ hơn sẽ tước đi cơ hội việc làm của lực lượng lao động người Mỹ. Những tổ chức nông dân cho rằng đạo luật sẽ tác động xấu đến ngành nông nghiệp Hoa Kỳ vì việc giới hạn số lượng người nhập cư từ Tây Bán cầu sẽ gây tình trạng thiếu hụt lao động trong những mùa canh tác quan trọng.[30]

Kết quả biểu quyết

Dự luật Nhập cư và Quốc tịch năm 1965 được đông đảo nghị sĩ ủng hộ sau khi được các tiểu ban thẩm tra, thông qua. Thượng nghị sĩ Philip Hart trình dự luật trước Thượng viện và dự luật được Tiểu ban Nhập cư và Nhập tịch của Ủy ban Tư pháp thẩm tra.[31] Hạ nghị sĩ Emanuel Celler trình dự luật trước Hạ viện. Dự luật được Hạ viện thông qua với 320 phiếu thuận, 70 phiếu chống và được Thượng viện thông qua với 76 phiếu thuận, 18 phiếu chống.[31] Tổng cộng 74% số nghị sĩ Đảng Dân chủ và 85% số nghị sĩ Đảng Cộng hòa biểu quyết thông qua dự luật. Hầu hết những nghị sĩ biểu quyết chống thuộc Đảng Dân chủ đến từ Nam Hoa Kỳ. Khi tranh luận tại về tác động của đạo luật, Thượng nghị sĩ Ted Kennedy nói rằng "các thành phố của chúng ta sẽ không chìm trong một triệu người nhập cư hàng năm. ... Thứ hai, thành phần chủng tộc của đất nước này sẽ không bị xáo trộn."[32]

Thượng nghị sĩ Hiram Fong (Quảng Hữu Lương) (Cộng hòa-HI) giải đáp các câu hỏi về khả năng người châu Á nhập cư sẽ thay đổi văn hóa Hoa Kỳ:

Người châu Á chiếm sáu phần mười của 1% dân số Hoa Kỳ ... đối với Nhật Bản, chúng tôi ước tính sẽ có tổng cộng 5.391 người nhập cư trong 5 năm đầu tiên ... số lượng người châu Á sẽ không bao giờ đạt 1% dân số ... Nhân dân Hoa Kỳ không phải bận tâm vì văn hóa của chúng ta sẽ không bao giờ thay đổi.

— Thượng viện Hoa Kỳ, Tiểu ban Nhập cư và Nhập tịch của Ủy ban Tư pháp, Washington, D.C., ngày 10 tháng 2 năm 1965, pp.71, 119.[33]

Hạ nghị sĩ Michael A. Feighan (Dân chủ - OH-20) và một vài hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ khác đề nghị ưu tiên "đoàn tụ gia đình" so với "lao động" trong việc cấp thị thực vì sẽ duy trì được thành phần chủng tộc của Hoa Kỳ. Thay đổi này dẫn đến hiện tượng nhập cư dây chuyền trong xu hướng nhập cư vào Hoa Kỳ.[34][35] Quy định cấm phân biệt đối xử về chủng tộc và nguồn gốc dân tộc của đạo luật làm thay đổi đáng kể thành phần nhân khẩu của Hoa Kỳ.[8]

Trong thời gian đạo luật được thảo luận tại nghị trường, có hai tu chính án được đề xuất nhằm thay đổi quy định về Tây Bán cầu, Tại Hạ viện, Tu chính án MacGregor quy định giới hạn số lượng người nhập cư từ Tây Bán cầu ở 115.000 người nhưng bị bác bỏ.[27] Tại Thượng viện, một tu chính án tương tự được đề xuất nhưng cũng bị bác bỏ.[27][36]

Ký ban hành

Ngày 3 tháng 10 năm 1965, Tổng thống Lyndon B. Johnson ký ban hành Luật Nhập cư và Quốc tịch năm 1965 tại Đảo Liberty, Thành phố New York[5] nhằm đánh dấu tính lịch sử của đạo luật. Ông tuyên bố rằng "chế độ [cũ] vi phạm nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ Hoa Kỳ, là nguyên tắc coi trọng và khen thưởng mỗi người vì thành tích cá nhân. Nó hoàn toàn trái với bản chất của Hoa Kỳ, bởi vì nó phản bội niềm tin đã đưa hàng nghìn người đến những bờ biển này ngay cả trước khi chúng ta là một quốc gia."[37]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch 1965 https://en.wikipedia.org/wiki/File:President_Lyndo... https://en.wikipedia.org/wiki/File:1964-1965-1966_... https://en.wikipedia.org/wiki/File:1968-1969-1970_... https://en.wikipedia.org/wiki/File:Chart_of_foreig... http://www.law.cornell.edu/jureeka/index.php?doc=U... http://www.gpo.gov/fdsys/granule/STATUTE-79/STATUT... https://www.law.cornell.edu/uscode/text/8/chapter-... http://www.govtrack.us/congress/votes/89-1965/h125 http://www.govtrack.us/congress/votes/89-1965/s232 http://www.govtrack.us/congress/votes/89-1965/h177